Di tích bãi đá cổ Xín Mần nằm ở thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Di tích được Bảo tàng tỉnh Hà Giang và Viện Khảo cổ học phát hiện vào tháng 12 năm 2004.
Bãi đá cổ Xín Mần nằm cách trung tâm huyện Xín Mần 14km, trên trục đường Xín Mần - Quang Bình. “Nấm Dẩn” tiếng Nùng nghĩa là khu vực nguồn nước, khu vực có bãi đá cổ nằm ở lưng chừng núi trong một thung lũng rộng, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc, xen kẽ cạnh các chân ruộng bậc thang này là những ngôi nhà sàn của người Nùng. Bên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp uốn lượn ôm quanh núi, nơi có những nếp nhà sàn nhỏ xinh ẩn hiện trong mây mờ, nổi lên các phiến đá lớn có hình thù, hoa văn kỳ lạ, huyền bí. Đó là quần thể bãi đá cổ Xín Mần có niên đại khoảng 2.000 năm. Với 7 phiến đá lớn và 2 cự thạch (đá cực lớn) trên đó có khắc khoảng 80 hình thù và khoảng 80 vũng lõm khác nhau. Trên mỗi phiến đá ấy, người xưa đã tạo nên những hình thù tượng trưng khác nhau, có chỗ giống bàn chân người, hình vòng tròn, có nơi là hình ruộng bậc thang, hình sinh thực khí (bộ phận sinh dục người), hình người trong tư thế giơ hai tay dạng hai chân như trong các bích họa thời tiền sử, những hình khắc chưa xác định được hình dáng...
Di tích bãi đá cổ Xín Mần nằm trong một thung lũng rộng, xung quanh là bản làng của đồng bào Nùng thôn Nấm Dẩn, dọc theo hai bờ suối có nhiều tảng đá trầm tích lớn, tại khu vực này đã phát hiện được 06 tảng đá có hình chạm khắc cổ và 02 di tích Cự Thạch.
- Loại thứ nhất: Các phiến đá có nhiều loại hình khắc vẽ cổ.
- Loại thứ hai: Các phiến đá khắc các lỗ vũm.
- Loại thứ ba: Di tích Cự Thạch.
Ngoài ra, đến với Nấm Dẩn du khách sẽ được thưởng thức nhiều nét văn hoá cộng đồng của dân tộc Nùng như:
- Lễ cúng thần Đá: Tiếng Nùng gọi là “Đản guy”; ngày 2/6 (âm lịch) một số thanh niên trai tráng theo thầy cúng đến gần vách đá cao trong khu vực bãi đá cổ. Họ dựng lên một Đàn cúng, hình thức của Đàn cúng đơn giản, không trang trí, người ta chôn 04 cọc gỗ xuống đất, phía trên buộc gác các thanh gỗ để tạo thành một mặt bàn cao cách mặt đất khoảng 1,2m, chiều dài 1,5m, rộng 1m sao cho đủ diện tích để bày đặt các lễ vật cúng.
- Lễ cúng thần Rừng: Tiếng Nùng gọi là “Đông Chứ”, được tổ chức hàng năm vào ngày 30 tháng Giêng âm lịch. Người ta lập đàn cúng dưới gốc cây cổ thụ nhất trong khu rừng cấm và chuẩn bị lễ vật cúng như lợn, gà, 12 chiếc chén, 12 đôi đũa và 12 chiếc bát. Người dân nơi đây quan niệm: Con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
- Lễ cúng thần Suối: Nghi lễ diễn ra vào ngày 1/6 âm lịch, địa điểm tại một lán nhỏ dựng bên bờ suối lớn (phía dưới trụ sở UBND xã Nấm Dẩn).