Giới thiệu

KHÁI QUÁT HUYỆN XÍN MẦN


Huyện Xín Mần nằm ở vị trí địa lý 22o33’30” - 22o48’31” vĩ bắc, 104o22’30” - 104o37’30” kinh đông, thuộc huyện miền núi biên giới cách thành phố Hà Giang 150 km, phía bắc giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phía nam giáp huyện Quang Bình, phía đông giáp huyện Hoàng Su Phì, phía tây giáp huyện Xi Ma Cai và huyện Bắc Hà (Lào Cai). Xa xưa vùng đất lập nên huyện Xín Mần là huyện Bình Nguyên- Tuyên Quang. Đến cuối thời Lê huyện Bình Nguyên đổi là châu Vị Xuyên thuộc phủ Tương Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đến năm 1835, cắt phần đất nằm ở hữu ngạn Sông Lô, thành lập huyện mới lấy tên là Vĩnh Tuy (sau đổi là Bắc Quang). Phần đất còn lại gọi là huyện Vị Xuyên với 5 tổng, 31 xã, thôn.

 Thời Pháp thuộc, toàn bộ phủ Tương Yên trong đó có Vị Xuyên thuộc khu quân sự số 2, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 20/8/1891 tỉnh Hà Giang được thành lập trên cơ sở phủ Tương yên và huyện Vĩnh Tuy, thuộc đạo quan binh thứ ba. Từ đó huyện Vị Xuyên thuộc tỉnh mới Hà Giang; Về sau huyện này lại chia thành hai huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì.

Dưới chính thể mới của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ngày 30/4/1962, một số xã của Hoàng Su Phì được chia thành nhiều xã nhỏ, trong đó xã Tụ Nhân chia thành 5 xã (Bản Phùng, Bản Máy, Bản Pắng, Nàn Sỉn, Thàng Tín), xã Chí Cà chia thành 2 xã (Chí Cà, Pà Vầy Sủ). 

 Đến ngày 13/12/1962, xã Thèn Chú Thùng đổi tên là Thèn Chú Phìn. Đồng thời chia các xã Trung Thịnh thành 6 xã (Trung Thịnh, Ngán Chiên, Thu Tà, Việt Thái, Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài), xã Chế Là thành 4 xã: Cốc Rế, Tả Nhìu, Chế Là, Nấm Dẩn; Xã Cốc Pài thành 3 xã : Cốc Pài- Nay là Thị trấn Cốc Pài; Nàn Ma; Bản Ngò.

Ngày 01/04/1965, Chính phủ ra Quyết định số 49/CP về chia tách huyện Hoàng Su Phì thành 2 huyện, gồm: Huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần. Điều đó, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng mang tính lịch sử của huyện. Việc thành lập huyện Xín Mần đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ cách mạng và phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, trình độ phát triển của mỗi vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Ngày nay, huyện có diện tích đất tự nhiên là 58.267 ha, chia thành 18 đơn vị hành chính (17 xã và 1 thị trấn) gồm các xã: Pà Vầy Sủ, Chí Cà,  Xín Mần, Nàn Sỉn,  Bản Díu, Nàn Ma, Bản Ngò, Nấm Dẩn, Chế Là, Tả Nhìu, Cốc Rế, Thu Tà, Trung Thịnh, Thèn Phàng, Quảng Nguyên, Nà Chì,  Khuôn Lùng và thị trấn Cốc Pài với 187 thôn và tổ dân phố. Toàn huyện có 4 xã biên giới giáp với huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (Nàn Sỉn, Chí Cà, Pà Vầy Sủ, Xín Mần) với chiều dài đường biên giới 30,72 km. Nhân dân các dân tộc của huyện vốn có tinh thần đấu tranh cách mạng, giàu lòng yêu nước, cần cù lao động, kiên cường bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

Địa hình Xín Mần được cấu tạo khá đa dạng và phức tạp, đặt trong khu vực của khối núi thượng nguồn sông Chảy có độ cao nổi trội hẳn lên. Đây là khối núi granít lớn nhất và cổ nhất Bắc Bộ nằm ở phía tây thành phố Hà Giang được cấu tạo cách đây ít nhất trên 500 triệu năm. Khối núi rộng đến 2.500 km2 này xuyên qua đá phiến tuổi Nguyên sinh tạo cho Xín Mần có độ cao trung bình từ 1.200 – 1.600 m với dãy Hoàng Vần Thùng đỉnh cao trên 2.000 m chạy suốt từ Lao Chải (Vị Xuyên) đến Pà Vầy Sủ tạo nên bức tường thành ở phía bắc ngăn cách giữa Việt Nam và Trung Quốc; dãy Chiêu Lầu Thí chạy suốt từ Tây Côn Lĩnh đến Bắc Hà (Lào Cai), có đỉnh cao 2.402 m ngăn cách giữa Xín Mần và Bắc Quang ở phía đông với một chiều dài kéo từ Péo Sui Ngài (Nàn Sỉn) đến suối Nặm Cháng (Tân Nam) trên một đoạn 42 km và chiều rộng từ Ma Lì Sán (Pà Vầy Sủ) đến suối Nậm Tìn (Trung Thịnh) trên một đoạn 26,5 km.

Sông Chảy qua Xín Mần 40 km, là con sông phát nguyên từ dãy Tây Côn Lĩnh, được giới hạn khá rõ bởi vùng núi cao ở phía bắc và đường sông núi ở đông – đông nam. Địa hình lưu vực sông Chảy thấp dần từ bắc – tây bắc xuống đông nam. Hướng dốc của địa hình như vậy đã quyết định hướng chảy tây bắc – đông nam của dòng chính sông Chảy ở trung và hạ lưu còn ở thượng lưu theo hướng đông tây. Ở đây độ cao đáy sông hạ thấp rất nhanh, trong vòng 20 km đầu độ cao giảm từ 1.200 xuống 500 mét. Sau khi qua Hoàng Su Phì và từ Cốc Pài, dòng chính sông chảy trở thành một hẻm sâu thẳm. Có nhiều suối nhỏ, khe rạch đổ vào sông Chảy, trong đó đáng kể là suối Đỏ, suối Bản Ngò, suối Nấm Dẩn.

Khí hậu của Xín Mần chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, oi bức bất thường, mưa gió đột ngột. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khô hanh giá buốt; vào khoảng tháng 2, tháng 3 hay có mưa đá, mưa tuyết, sương muối và rét đậm. Sự khắc nghiệt của khí hậu đã gây nên nhiều khó khăn cho nhân dân các dân tộc trong các lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất, an ninh và giao lưu văn hóa.

Huyện Xín Mần có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú như: hệ sinh thái rừng nguyên sinh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; Huyện có 10 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được công nhận, trong đó: 04 Di tích Quốc gia: Bãi đá cổ Nấm Dẩn, Thác Tiên - Đèo gió; Thác Trăn xã Khuôn Lùng; Thác Luồng xã Nà Chì. Có 04 Di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sử Nàn Ma, Di tích lịch sử văn hóa Đình Mường xã Khuôn Lùng, Đền thần Hoàng Thị Trấn Cốc Pài, Khu mộ Hoàng Vần Thùng xã Bản Díu; Có 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Tết Khu Cù tê của người La Chí xã Bản Díu, Lễ cúng rừng của dân tộc Phù Lá xã Nàn Xỉn thuận lợi cho việc phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sign In