Di tích có địa điểm tại thôn Nàn Ma, xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, đây là di tích lịch sử nơi 11 chiến sỹ văn công Trung đoàn 148 hy sinh đã ghi lại dấu ấn lịch sử oanh liệt của thời kỳ chống thực dân Pháp, chống Phỉ của nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần.
Đội văn công Trung đoàn 148 được thành lập vào năm 1950. Là đội văn công của một trung đoàn chủ lực, chặng đường công tác, phục vụ của đội luôn gắn với các tuyến hành quân, các tuyến dịch của trung đoàn. Cái đêm định mệnh đó được người già ở Nàn Ma kể mãi cho con cháu nghe đó là thời kỳ năm 1952 khu vực Nàn Ma và các xóm lân cận phỉ hoạt động rất ráo riết, ban ngày chúng ẩn náu trong rừng, ban đêm chúng đến cướp trâu bò và tài sản của nhân dân. Bà con trong bản vô cùng sợ hãi, người già, trẻ em phải đi lánh nạn, mỗi hộ gia đình thường chỉ có một nam giới khoẻ mạnh trông nhà, khi màn đêm buông xuống họ phải lẩn vào rừng ẩn nấp.
Mùa hè năm đó, có một đoàn văn công đến biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân ở Cốc Pài (Trung tâm huyện ngày nay), sau đó đoàn đến Nàn Ma vào lúc chiều tối và nghỉ lại tại nhà ông Giàng Seo Dìn. Nửa đêm những người dân bản Nàn Ma khi ẩn nấp trong rừng nghe thấy ở bản mình có nhiều tiếng súng nổ, biết là có phỉ đến cướp phá nhưng họ không dám trở về ứng cứu. Sáng hôm sau trở về nhà họ thấy nhà ông Dìn và xung quanh đó có nhiều vũng máu. Bộ đội và nhân dân địa phương đã vớt được thi thể 7 anh chị em văn công gồm 1 nữ, 6 nam từ hố sâu gần nhà ông Giàng Seo Dìn và họ đã mai táng ngay cạnh đó. Người đồng đội may mắn sống sót Đỗ Tùng đã kể lại trong hồi ký của ông: Khoảng 3 giờ đêm ngày 15/5/1952, có hàng trăm thổ phỉ từ Si Ma Cai kéo về khu vực Nàn Ma cướp phá và có một toán phỉ đến đánh úp đội văn công. Với một khẩu tiểu liên, 3 khẩu súng trường và dao dài trên tay, toàn đội đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và xông ra đánh giáp lá cà trước khi hy sinh. Hôm sau chúng đưa 4 chiến sỹ văn công đến một bờ vực để bắn hòng uy hiếp đồng bào, trước 10 họng súng của phỉ một loạt đạn bắn vào, 4 chiến sỹ Văn công hy sinh nhưng tinh thần bất tử các chiến sĩ vẫn vang vọng khắp núi rừng Lao - Hà hùng vĩ. Cuộc triến đấu tiêu diệt thế lực phản cách mạng do thực dân Pháp dựng lên, tiếp tay, kích động chống phá cách mạng nước ta đã hơn nửa thế kỷ. Nhưng dấu ấn của chiến tranh và tội ác của nó vẫn còn lưu lại trên từng thớ đất và trong tâm trí của những người già ở Nàn Ma.
Đến với Nàn Ma hôm nay chúng ta thấy vẫn còn đó nền ngôi nhà ông Giàng Seo Dìn - nơi đoàn văn công đã nghỉ qua đêm và bị phỉ giết hại, vẫn còn cái hố sâu hình phễu - nơi phỉ ném xác 7 anh chi em đội văn công xuống và còn được nghe những câu chuyện không bao giờ dứt của nhân dân về tội ác của phỉ, về một đội văn công giàu lòng dũng cảm - đội văn công trung đoàn 148. Trải qua hơn 50 năm, cảnh quan khu di tích lịch sử Nàn Ma- Nơi đội văn công Trung đoàn 148 hi sinh nay đã có nhiều biến đổi. Ngôi nhà của ông Giàng Seo Dìn (ngôi nhà mà nơi đoàn văn công đã ngủ trong cuộc hành quân) nay không còn nữa, liền kề bên đó có một số ngôi nhà mới được mọc lên. Tuy nhiên thì nền nhà của ông Giàng Seo Dìn chưa bị thay đổi nhiều. Đặc biệt là hố sâu (nơi Phỉ ném xác chiến sĩ của đoàn văn công xuống) cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Di tích lịch sử Nàn Ma được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 24/3/2006.