Khu mộ Hoàng Vần Thùng thuộc thôn Díu Thượng, xã Bản Díu, huyện Xín Mần. Qua quá trình khảo sát điền dã, đã xác định được ở hầu khắp các thôn bản của người La Chí đều có dấu vết của những ngôi mộ cổ, những ngôi mộ này thường nằm trên những sườn núi, trên đỉnh của những thửa ruộng bậc thang hoặc trong những khu rừng cấm, có những nơi còn thấy sự xuất hiện của những ngôi mộ giả ở giữa những nương ngô của đồng bào. Có nơi mộ nằm rải rác, phân tán nhưng cũng có chỗ tập trung thành từng khu vực lên tới vài chục ngôi mộ.

          Mộ Hoàng Vần Thùng là hệ thống hàng trăm những ngôi mộ có kích thước khác nhau, phân bố rộng khắp trên nhiều địa bàn thuộc hai huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì. Chủ nhân của những ngôi mộ này là cộng đồng người La Chí. Qua khảo sát cho thấy những ngôi mộ này có mặt ở tất cả những bản làng mà người La Chí đã định canh, định cư từ lâu đời. Hiện vẫn chưa thể thống kê hết được có tất cả bao nhiêu ngôi mộ bởi bên cạnh những khu mộ nằm tập trung gần khu vực dân cư thì còn có rất nhiều những ngôi mộ nằm rải hoặc thành từng nhóm trong những khu rừng cấm, rừng già, trên những nương ngô của đồng bào hay những khu vực khó tiếp cận được. Những ngôi mộ được đắp bằng đất, hình tròn, do sự kiêng kị của đồng bào nên cây cối mọc tự nhiên không bị chặt phá, thậm chí có nơi còn mọc cả cây gỗ lớn trên thân mộ, xung quanh mộ được đào một đường hào bao quanh chỉ để một đường thoát nước tại một góc mộ.

          Theo cộng đồng người La Chí, nguồn gốc của những ngôi mộ này, ai đắp, đắp vì mục đích gì và được đắp vào thời gian nào vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải đáp. Hiện nay, trong cộng đồng vẫn còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện, truyền thuyết về Hoàng Vần Thùng. Một tích truyện kể rằng: Xưa kia, người La Chí sống du canh du cư nay đây mai đó. Họ phát nương trồng rẫy, vài ba vụ lúa đất bạc màu lại di chuyển đi nơi khác. Cứ như vậy đời sống của họ vô cùng cực khổ, mất mùa, nạn đói thường xuyên và nhân dân nơi đây phải vào rừng đào củ mài để sống qua ngày. Một hôm xuất hiện một người đàn ông có tên là Hoàng Vần Thùng đến dạy bà con đào, san ruộng thành bậc thang để trồng lúa nước. Biết bà con dân bản chưa thực sự tin vào lời nói của mình, một mình ông đào đất san núi thành ruộng, đến mùa thu hoạch ruộng lúa của ông bông nào cũng nặng trĩu, chỉ thu hoạch vài thửa ruộng nhỏ đã hơn mấy nương lúa của dân bản thường trồng. Dân bản dần dần tin và nghe theo ông, rồi ông còn dạy bà con nuôi gà, nuôi lợn, nuôi dê…bẫy thú rừng đến phá ruộng nương. Từ ngày biết trồng lúa nước, nhà nào nhà ấy thóc lúa đầy bồ, bà con dân bản không còn cảnh mất mùa vào rừng đào củ kiếm ăn từng bữa và du canh, du cư như trước đây nữa mà sống quây quần thành từng bản. Cuộc sống đang yên bình thì vào một năm nọ có một toán giặc kéo đến thôn bản cướp của, giết người. Ông tập hợp trai tráng dân bản lại, đánh đuổi giặc cướp. Đánh giặc xong, ông về dãy núi Pố Hoàng Thùng (tiếng La Chí) hiện nay còn gọi là núi Gia Long, sau đó người ta không thấy ông nữa và bà con truyền rằng ông đã hóa rồng trở về với trời. Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn của ông, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tết Khu Cù Tê gắn với khu mộ Hoàng Vần Thùng vào tháng 7 âm lịch.