Đình Mường nằm ở thôn Làng Thượng xã Khuôn Lùng huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang. Đình nằm ở trên quả đồi nhỏ nhìn về hướng Đông Nam, cách đường tỉnh lộ 178 Xín Mần – Quang Bình khoảng 300m. Xung quanh khu vực Đình là những cách đồng lúa của đồng bào dân tộc Tày.

       Thời gian tổ chức:

          Lễ hội Đình Mường là Lễ hội dân gian truyền thống dân tộc Tày được tổ chức thường xuyên vào 17 tháng giêng hàng năm tại xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

      Truyền thuyết:

         Có một người tên là Đức Ông tài giỏi xuất thân từ núi Ba Vì về trú ngụ tại Bản Tẩu (Bản Đón) xóm Khuôn Lùng, mọi người gọi vợ ông là Đức Bà, mẹ là Già Mụ. Ông lập làng dựng bản, từ đó nhân dân ngày càng đông đúc vui vẻ sinh sống làm ăn. Một hôm Đức Ông được nhà vua từ Kinh Đô mời đến chầu, nhà Vua đang cần người tài giỏi để đánh giặc giữ nước, Vua đã dạy cho ông các phép tắc của vua chúa cai trị trong vùng và Đức Ông đã học với thời gian rất dài.

Vợ Đức Ông và Mẹ già ở nhà, từ đó Đức Ông sáng nào cũng vào chầu vua và học các phép tắc do vua dạy, Đức Ông học rất giỏi, đã nói là hiểu. Nhưng Đức Ông rất nhớ vợ, cứ đêm đến Ông lại từ cung vua biến theo mây theo gió về ngủ với vợ, đêm nào cũng vậy vợ Đức Ông có chửa nên Già Mụ sinh nghi có trai làng về ngủ với con dâu mình. Một đêm Mẹ Già Mụ đến gần chỗ ngủ của con dâu thì phát hiện có một đôi giầy da rất đẹp ở gần buồng con dâu ngủ, mẹ nhặt lấy một chiếc giầy da cất giữ. Sáng hôm sau Đức Ông lại vào chầu Vua, một chân có giầy, một chân đi đất, chỉ còn một chiếc giầy chân trái, mất chiếc giầy chân phải, Vua thấy vậy nên để ý. Đức Ông là người có tài nên được mọi người ủng hộ, ngồi học một lúc thì thấy một tổ kiến ở dưới đất ngầm chuyển đất lên phủ chân cho ông thành một chiếc giầy da rất đẹp y như thật. Đức Ông vào cung hầu vua học các phép tắc của vua ban cho, Vua biết Đức Ông có tài giỏi, thông minh, xông sáo được mọi người trong cung mến phục, cũng từ đó nhà vua tinh ý biết Đức Ông có tài bởi một chân đi đất, một chân có giầy mà một lúc lại có chiếc giầy đẹp hơn cả giầy nhà vua đang dùng, Vua bèn nghĩ cách thử tài, Vua thả con ngựa ác nhất vượt qua sông lớn sang bên kia, dòng nước sông chảy xiết người không thể bơi qua sông được mà chỉ đi lại bằng thuyền đò.

Vua ra lệnh phải thử thách mọi người trong cung đình người nào có tài bơi lội giỏi qua sông kia bắt con ngựa cho vua, Vua sẽ thưởng lộc ban cho làm thượng quan trong nhà Vua. Mọi người trong cung đình đều lắc đầu từ chối không ai dám nhận bơi qua sông bắt ngựa, mọi người trong cung đều nói chỉ có Đức Ông là người tài giỏi, nhanh nhẹn, gan dạ có thể bơi qua bên kia được.

Đức Ông suy nghĩ một hồi lâu rồi ưng thuận và nhận lời xung phong vượt qua sông bắt ngựa và phải trở về cả người lẫn ngựa. Đức Ông dắt ngựa vào cung giao cho Vua, Vua tấm tắc khen, Đức Ông thật là người có tài trí, thông minh, gan dạ. Mọi người không ngờ trong lúc bơi qua sông chiếc giầy kiến đắp cho đã bị rơi nên lúc dắt ngựa vào cung, một chân Đức Ông có giầy và một chân đi đất. Nhà Vua khen Đức Ông có tài như vậy làm được mọi việc hơn cả mọi người trong cung.

Một hôm nhà Vua mời Đức Ông đến hầu Vua, nhà Vua hẹn thử tài với Đức Ông, Đức Ông suy nghĩ và nhận lời cùng nhà Vua đọ tài, đánh nhau quần quật suốt 3 ngày 3 đêm. Đức Ông một mình đánh đổ với nhiều người. Dù có tài đến đâu cũng chẳng đánh nổi với hàng trăm hàng nghìn quân của nhà vua, cho nên Đức Ông bị nhà vua dương cao thanh kiếm chém vào cổ. Đức Ông hoá phép biến theo mây gió về đến nhà. Đức Ông nói với vợ và Mẹ rằng: “Con cùng nhà vua đọ tài, đọ sức với nhau, một mình con đánh với hàng nghìn người, con đã bị chặt cổ không sống được nữa nhưng vợ và mẹ đừng phiền muộn gì cả”. Đức Ông chỉ nhắn vợ và mẹ một câu là Đức Ông còn có đôi mắt sáng thần để lại khi Đức Ông chết vợ và mẹ hãy khoét lấy đôi mắt thần ra và tìm một cái hũ bỏ đôi mắt Đức Ông vào trong hũ bịt thật kín để 3 năm 10 ngày rồi hãy mở, sau đó Đức Ông qua đời.

Vợ và mẹ lo việc mai táng cho Đức Ông đem chôn tại Nà Đó và cũng tìm được cái hũ rồi làm theo sự dặn dò của Đức Ông. Từ đó Đức Bà luôn túc trực bên cạnh cái hũ liên tục ngày qua tháng đã được 3 năm còn 10 ngày. Một hôm vợ (Đức Bà) ra ngoài đi tiểu, mẹ (Già Mụ) ở nhà nghĩ thấy sót ruột quá để con dâu cứ túc trực mãi thế này quá mệt mỏi cho con đến bao giờ, thế là mẹ quên thời gian mẹ liền mở nắp hũ ra xem thấy trong có hình người và lương thực, thực phẩm, vũ khí ở trong hũ vùa sinh nở. Mẹ hốt hoảng đổ nước đang sôi vào trong hũ, Vợ về đến nhà trông thấy cái hũ nhiều vật khác thường. Đức Bà hỏi mẹ mới biết lúc nãy mẹ lỡ đổ nước vào hũ làm hại đôi mắt và các vật đã sinh sôi nảy nở lại bị huỷ hoại hết. Tiếc quá đôi mắt Đức Ông đang hình thành xắp đến ngày mở hũ, nếu mẹ không lỡ đổ nước thì đôi mắt ấy sẽ sinh sôi nảy nở đủ các phương tiện để đi đánh giặc cứu nước.

Già Mụ với Đức Bà và dân làng quyết lấy cả cái hũ ấy đem chôn gần mộ Đức Ông. Mẹ và Vợ lo sợ nhà Vua biết mộ Đức Ông được chôn tại Nà Đón thôn Xuân Hoà nên họ lấy cây về rào xung quanh mộ Đức Ông, làm vườn trồng rau kiệu (tức Phiắc khảo) trồng lên trên mộ Đức Ông để nhà Vua khỏi hiểu nhầm và không phát hiện ra mộ của Đức Ông.

Sau khi chôn đôi mắt thần của Đức ông vào nấm mộ được 10 ngày thì Đức Bà và Già Mụ đều chết cùng ngày, dân làng Kiệu thể xác linh hồn 2 bà cùng chôn cạnh mồ mả Đức Ông. Từ đó đến nay thường vẫn cúng thờ là mộ Đức Bà và Già Mụ.

Có thể khẳng định rằng: Đây là một truyền thuyết vô cùng quý giá đã minh chứng cho lịch sử mở đất mở nước của nhân dân các xã phía nam nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần nói chung. Chuyện Cổ tích Đức Ông, Đức Bà từ xa xưa để lại là một di sản cổ mang tính nhân văn sâu sắc về nhân cách, đạo đức uống nước nhớ nguồn, có được làng bản hiện nay là nhờ đến công đức của người khai thiên, lập địa, lập làng, dựng nước. Giáo dục lớp con cháu, dòng họ, dòng tộc, dân làng luôn đoàn kết gắn bó bên nhau, chống kẻ thù chung. Giữ gìn phép nước lệ làng để làng bản yên vui, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Lễ hội Đình Mường có một yếu tố hết sức quan trọng, mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh sâu sắc đối với cộng đồng dân cư các dân tộc trên khu vực, đặc biệt quan trọng với yếu tố siêu nhiên và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng quanh năm tươi tốt, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời việc tổ chức lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn.