Lễ hội Hoàng Vần Thùng là lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc được lưu truyền từ nhiều đời nay; Cùng diễn ra còn có lễ tết Khu Cù tê của người La Chí ở Bản Díu, Bản Phùng, Bản Pắng... và hoạt động lễ dâng hương tại mộ Vua Gia Long tại xã Bản Díu, huyện Xín Mần.

Lễ hội Hoàng Vần Thùng là một lễ hội tín ngưỡng, có sự ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn đến cộng đồng các dân tộc như: La Chí, Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Pu Péo ở các huyện trên khu vực phía tây của Hà Giang như: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên... đều cùng có ý thức duy trì bảo tồn, phát huy tổ chức lễ hội Hoàng Vần Thùng, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của cộng đồng dân tộc định cư trên địa bàn.

THỜI GIAN TỔ CHỨC:

Rằm Tháng 7 Âm lịch hàng năm

TRUYỀN THUYẾT:

Xưa kia, bà con nhân dân trong vùng sống du canh, du cư nay đây mai đó. Họ phát nương trồng rẫy, vài ba vụ lúa đất bạc màu lại chuyển đi nơi khác. Cứ như vậy đời sống của họ vô cùng cực khổ, mất mùa, đói khát thường xuyên, nhân dân nơi đây phải vào rừng đào củ mài để sống qua ngày. Một hôm xuất hiện một người đàn ông cao to khoẻ mạnh, nước da đỏ hồng, dáng người vạm vỡ, sống mũi thẳng, tóc cắt ngắn không rõ từ đâu đến dạy bà con dân bản đào san ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Biết bà con dân bản chưa thực sự tin vào lời nói của mình, một mình ông đào đất san núi thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước, đến mùa thu hoạch ruộng lúa của ông bông nào cũng nặng trĩu, chỉ thu hoạch vài thửa ruộng nhỏ đã hơn mấy nương lúa của dân bản thường trồng. Dân bản dần dần tin và nghe theo ông, rồi ông còn dạy bà con nuôi gà, nuôi lợn, nuôi

dê....bẫy thú rừng đến phá ruộng nương. Từ ngày biết trồng lúa nước, nhà nào nhà ấy thóc đầy bồ, bà con dân bản không còn cảnh mất mùa vào rừng đào củ kiếm ăn từng bữa và du canh du cư như trước đây nữa mà sống quây quần thành từng bản. Bà con dân bản đang sống yên vui, vào một năm nọ có một toán giặc kéo đến thôn bản cướp của, giết người. Ông tập hợp trai tráng dân bản lại, đánh đuổi giặc cướp. Đánh giặc xong, ông về dãy núi Pổ Hoàng Thùng (tiếng La Chí) còn gọi là núi Gia Long, sau đó người ta không thấy ông nữa và bà con truyền rằng ông đã hóa Rồng trở về trời.

Vào một năm trời hạn hán ruộng không có nước cày cấy, cỏ cây khô héo, trâu bò lăn ra chết vì không có cỏ ăn, dân tình hoang mang cực độ họ lập đàn cúng kêu Hoàng Vần Thùng về giúp. Lễ cúng vừa xong, bỗng trên trời sấm chớp ầm ầm, mây kéo về, trong đám mây đen xuất hiện một đám mây vàng hình Rồng hạ xuống đàn tế (người dân quan niệm đám mây vàng hình rồng đó chính là thần Hoàng Vần Thùng từ trời xuống hạ giới giúp dân), sau đó mưa xối sả kéo dài suốt ba ngày ba đêm, người dân thoát khỏi hạn hán. Từ đó về sau người dân lập miếu thờ hương khói, cứ đến ngày Thìn, tháng Thìn hàng năm tổ chức lễ cúng tế ông, vào năm Thìn thì tổ chức lễ hội lớn hơn và phải được dâng cúng bằng con bò to.

Qua truyền thuyết trên cho thấy Hoàng Vần Thùng được người La chí, Cờ Lao huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và người Nùng ở khu vực Cốc Pài coi là vị thần bảo vệ mùa màng và cuộc sống yên lành của dân bản trong vùng, mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh sâu sắc đối với cộng đồng dân cư các dân tộc trên khu vực, đặc biệt quan trọng với yếu tố siêu nhiên và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng quanh năm tươi tốt, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời việc tổ chức lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn.